Thất bại của Khối thịnh vượng Khối_Thịnh_vượng_chung_Đại_Đông_Á

Mặc dù Nhật Bản đã thành công trong việc kích thích phong trào chống phương Tây tại châu Á, khối này chưa bao giờ thực sự là một châu Á thống nhất. Tiến sĩ Ba Maw, Chủ tịch Miến Điện bị Nhật Bản chiếm đóng thời chiến tranh, nói rằng lý do xuất phát từ quân đội Nhật:

"Các nhà quân sự chỉ nhìn thấy triển vọng của nước Nhật, thậm chí tệ hơn, họ luôn cho rằng tất cả những người khác làm việc với họ đều sẽ nghĩ như vậy. Đối với họ chỉ có một cách thức duy nhất để thực hiện một điều gì đó, đó là cách thức của người Nhật; chỉ có duy nhất một mục tiêu và một quyền lợi, quyền lợi cho nước Nhật; chỉ có một số phận cho các nước Đông Á, đó là trở thành như Mãn Châu quốc hay Triều Tiên cột chặt vào Nhật Bản mãi mãi. Những trò lừa gạt về chủng tộc này...đã khiến cho bất kỳ sự thông cảm có thật nào giữa các nhà quân sự Nhật và người dân quốc gia chúng tôi đều trở nên dường như bất khả".[3]

Nói cách khác, Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á đã không hoạt động vì sự phát triển của tất cả các quốc gia Đông Á, mà chỉ là lợi ích của bản thân nước Nhật và do đó họ đã thất bại trong việc quy tụ sự ủng hộ tại những quốc gia Đông Á khác. Những phong trào của chủ nghĩa dân tộc đã xuất hiện tại những quốc gia Đông Á trong suốt thời kỳ này và những người của chủ nghĩa dân tộc, theo một chừng mực nào đó, có hợp tác với người Nhật. Tuy nhiên, Willard Elsbree, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ohio cho rằng chính phủ Nhật và những nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc chưa bao giờ tạo nên "sự thống nhất thực sự về quyền lợi giữa hai bên, [và] đã không có tâm trạng thất vọng tràn ngập tại châu Á khi Nhật Bản bị đánh bại".[4] Dường như sự thất bại của Nhật Bản trong việc hiểu được mục tiêu và quyền lợi của những quốc gia khác trong Khối thịnh vượng đã dẫn đến sự liên minh lỏng lẻo giữa các quốc gia với Nhật Bản, chỉ trên lý thuyết chứ không nằm ở tinh thần. Tiến sĩ Ba Maw cho rằng:

"Nếu người Nhật trung thành với khái niệm châu Á dành cho người Á Đông mà quốc gia này đã tuyên bố vào đầu cuộc chiến, thì số phận của nước Nhật có lẽ đã rất khác. Không có sự thất bại quân sự nào khi đó có thể tước đi niềm tin và lòng biết ơn của một nửa châu Á hoặc hơn thế nữa đối với họ, và điều đó sẽ tác động rất nhiều khi nước Nhật tìm cho một mình một vị thế mới, vĩ đại và vĩnh cửu trong thế giới hậu chiến, trong đó châu Á vẫn dần dần tiến về nước Nhật".[5]

Do đó, nếu Nhật Bản thực tâm tạo ra một khối thịnh vượng đại diện cho quyền lợi của toàn châu Á thay vì chỉ dùng nó như chiêu bài biện hộ xâm lược, châu Á sau chiến tranh có lẽ đã hoàn toàn khác dù cho thất bại về quân sự của nước Nhật.